Giá lúa mỳ ngày càng ổn định bất chấp thời tiết bất lợi và tình hình chính trị căng thẳng

Sản lượng lúa mỳ kỉ lục năm 2013 đã làm tăng nguồn cung cần thiết cho thế giới và giúp đẩy giá lúa mỳ quốc tế giảm mạnh xuống thấp hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, đến tuần thứ ba của tháng 2, giá lúa mỳ xuất khẩu bắt đầu tăng trưởng do những nghi ngại về ảnh hưởng của nạn hạn hán kéo dài tại các vùng gieo trồng lúa mỳ chính ở Hoa Kỳ và căng thẳng leo thang tại khu vực Biển Đen. Dù vậy, giá lúa mỳ quốc tế đã mất đà tăng giá vào tháng 4 khi những cơn mưa xuất hiện, xoá đi những lo ngại trên thị trường. Bên cạnh đó, xuất khẩu lúa mỳ từ Biển Đen không hề bị ảnh hưởng bởi các vấn đề lãnh thổ giữa U-krai-na và Nga.

Tương tự, trên Sàn Giao dịch Chicago (CBOT), các giao dịch xuất khẩu lúa mỳ có kỳ hạn tới các vùng lân cận đã tăng trở lại trong những tháng gần đây nhờ tình hình thời tiết và chính trị ổn định. Tuy nhiên, trong tháng 4, triển vọng lạc quan về sản lượng lúa mỳ toàn cầu năm 2014 đã làm giảm giá lúa mỳ giao tháng 9 và giá trung bình có giảm nhẹ so với cùng kì năm trước. Với triển vọng về nguồn cung dồi dào đối với ngũ cốc thô, các loại lúa mỳ chất lượng thấp dùng làm thức ăn chăn nuôi ít có khả năng tăng giá. Trong khi đó, giá lúa mỳ chất lượng cao (protein) theo Sàn Giao dịch Kansas (KCBT) có khả năng duy trì ở mức ổn định trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt.

Thương mại lúa mỳ thế giới mùa vụ 2014/15 không có nhiều biến động so với mùa vụ 2013/14

Nhu cầu nhập khẩu lúa mỳ ngày càng tăng mạnh tại khu vực châu Á là yếu tố góp phần quan trọng trong việc giữ cho thương mại lúa mỳ thế giới luôn ở mức cao trong mùa vụ 2014/15. Tổng nhập khẩu ở châu Á là 74 triệu tấn, chỉ giảm nhẹ so với mức cao nhất của mùa vụ 2013/14; trong đó giảm nhiều nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng lúa mỳ nhập khẩu của các quốc gia khác trong khu vực có thể vẫn giữ nguyên, hoặc thậm chí vượt qua mức dự đoán của mùa vụ 2013/14.

Lượng lúa mỳ nhập khẩu của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn đứng ở mức cao, đặc biệt việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch buôn bán. Nhu cầu lúa mỳ trong nước cao cũng giúp kích thích tăng nhập khẩu tại In-đô-nê-xi-a. Là một nước không thể sản xuất lúa mỳ nhưng nhu cầu ngày càng tăng của các sản phẩm lúa mỳ đã khiến một nước có truyền thống tiêu thụ lúa gạo như In-đô-nê-xi-a trở thành nước nhập khẩu lúa mỳ lớn thứ ba thế giới chỉ sau Ai Cập và Trung Quốc. Tại Cộng hòa Ả-rập Xi-ri, nhập khẩu lúa mỳ sẽ tăng so với năm 2013 dựa trên những dự đoán về một mùa vụ thu hoạch dưới mức trung bình nữa do nước này phải đối mặt với những bất ổn nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột đang diễn ra.

Tại châu Phi, tổng sản lượng lúa mỳ nhập khẩu mùa vụ 2014/15 được dự đoán sẽ đạt 40 triệu tấn, gần như không đổi so với mùa vụ 2013/14. Trong số các nước thuộc khu vực Bắc Phi, Ai Cập được trông đợi sẽ duy trì mức lúa mỳ nhập khẩu là 10,5 triệu tấn, tương đương với mức mùa vụ 2013/14 nhưng giảm 1 triệu tấn so với mức kỷ lục mùa vụ 2011/12. Mặc dù Chính phủ Ai Cập đã tăng lượng thu mua từ nông dân trong năm 2014 lên 4,25 triệu tấn (cao hơn khoảng 500 nghìn tấn so với năm 2013) song không có dấu hiệu cho thấy sản lượng nhập khẩu sẽ giảm trong mùa vụ 2014/15 do nhu cầu lúa mỳ tăng cao trong khi sản xuất trong nước bị trì trệ.
Trong khi tình hình nhập khẩu ở Tuy-ni-di dự đoán sẽ giảm 400 nghìn tấn do có sự phục hồi của sản xuất trong nước thì ngược lại ở Ma-rốc với việc sản xuất yếu kém đã làm tăng lượng lúa mỳ nhập khẩu lên 1 triệu tấn. Nhập khẩu lúa mỳ tại các quốc gia khác ở châu Phi được dự báo sẽ duy trì ở mức ổn định. Tại Ni-giê-ria, con số này ước tính là 4,2 triệu tấn, tương đương mức mùa vụ 2013/14. Mặc dù Chính phủ nước này đã công bố kế hoạch sử dụng 75 nghìn héc-ta cho gieo trồng lúa mỳ, nhưng sản lượng trong nước vẫn là rất nhỏ. Ở Nam Phi, giá lúa mỳ trong nước đã tăng trong những tháng gần đây, một phần do việc đồng tiền bị suy yếu, một phần là do lượng thu hoạch của vụ đông thấp đã khiến cho nhập khẩu đạt mức cao, khoảng 1,8 triệu tấn trong mùa vụ 2014/15.

Tại khu vực châu Âu, nhập khẩu lúa mỳ mùa vụ 2014/15 được dự báo sẽ đạt 8,7 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn so với mùa vụ trước, chủ yếu là các nước khối EU. Mặc dù sản lượng lúa mỳ thu hoạch cao tương đương với mức năm 2013/14 nhưng sẽ phải bù đắp cho sự thất thu của các loại ngũ cốc thô khác, cụ thể là lúa mạch. Tại khu vựcchâu Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê, tổng lượng lúa mỳ nhập khẩu mùa vụ 2014/15 sẽ đạt khoảng 21 triệu tấn, giảm gần 2 triệu tấn so với năm trước. Nguyên nhân chính của của sự sụt giảm này là do sản lượng trong nước của Brazil và Mê-xi-cô đều tăng mạnh.

Xét về xuất khẩu, những biến động của mùa vụ 2013/14 với sự tăng mạnh của tất cả các nước xuất khẩu lúa mỳ chính trừ Ác-hen-ti-na và Úc khiến việc dự báo lượng lúa mỳ xuất khẩu trong mùa vụ 2014/15 gặp nhiều khó khăn. Những căng thẳng về chính trị ở khu vực Biển Đen càng làm cho thương mại lúa mỳ mùa vụ 2014 biến động hơn. Theo báo cáo mới nhất của FAO, trong khi lượng lúa mỳ xuất khẩu của EU mùa vụ 2014/15 có thể giảm 3,5 triệu tấn so với năm trước, thì tại Ác-hen-ti-na và Úc xuất khẩu lại gia tăng. Xuất khẩu lúa mỳ từ EU mùa vụ 2013/14 ước tính đạt mức cao kỉ lục 29 triệu tấn, tăng 34% so với mùa vụ trước.

Tại Canada, bất chấp những dự báo về sự suy giảm sản xuất trong nước, xuất khẩu năm 2014 vẫn duy trì mức của năm 2013 do lượng lúa mỳ dự trữ dồi dào. Triển vọng sản xuất lạc quan ở Ka-dắc-xtan có khả năng sẽ giúp cho sản lượng lúa mỳ xuất khẩu của đất nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập này giữ ở mức tương đương mùa vụ 2013/14.

Lượng lúa mỳ xuất khẩu từ U-krai-na cũng sẽ giữ nguyên với mức của năm trước, đặc biệt trong trường hợp lượng nhập khẩu mùa vụ 2014/15 của EU tăng đúng như dự đoán. Xuất khẩu lúa mỳ của Nga có thể giảm nhẹ, song các chuyến hàng từ Hoa Kỳ vẫn ở mức ổn định nhờ việc trao đổi buôn bán lớn với Brazil. Lượng lúa mỳ xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Brazil năm 2013 đã đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, do sự sụt giảm xuất khẩu của Ác-hen-ti-na và Brazil. Ấn Độ cũng được dự báo sẽ có được nguồn cung lớn dành cho xuất khẩu dựa trên những trông đợi vào một vụ mùa bội thu tại nước này. Tuy nhiên sản lượng lúa mỳ nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ lại có xu hướng giảm mạnh.

Theo VIETRADE